TÂY DU KÝ - Chuyện bây giờ mới kể

Theo: http://www.baoanhdatmui.com/vcms/htm...il.php?nid=285

Thời lượng: 25 tập, đang phát sóng trên kênh ĐN.1, vào lúc 11h05
Bộ phim Tây Du Ký đã được quay cách đây hai thập niên, những chuyện bên lề, chuyện xung quanh bộ phim đã không còn tư liệu để lại, những gì còn lại chỉ là qua lời kể của các diễn viên trong các buổi họp mặt, trò chuyện giao lưu trực tuyến với khán giả. Dưới đây là những mẩu chuyện bên lề bộ phim mà ĐMCT lượm lặt từ các bài viết về diễn viên trong phim.

Kinh phí và thù lao: Năm 1982, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đầu tư 6 triệu nhân dân tệ để làm bộ phim Tây Du Ký. Vào thời điểm bấy giờ, mức kinh phí 6 triệu là khoản đầu tư rất lớn, nhưng vẫn không đủ trang trải cho 25 tập phim. Vì thế, thù lao trả cho các diễn viên rất thấp, trong đó, Lục Tiểu Linh Đồng là người được trả thù lao cao nhất cũng chỉ 70 nhân dân tệ/tập phim, con số này kém xa so với cátsê của các diễn viên trẻ ăn khách thời nay.

3 lần thay đổi diễn viên đóng vai Đường Tăng: Trong phim Tây Du Ký, nhân vật Đường Tăng do ba diễn viên thể hiện, đó là: Uông Việt, Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thoại. Uông Việt là diễn viên đầu tiên được đạo diễn Dương Khiết mời đóng vai Đường Tăng, khi đó anh đang là học viên của Học viện điện ảnh Bắc Kinh, anh kể: “Lúc được tin đạo diễn Dương Khiết chấm mình đóng vai Đường Tăng, tâm trạng của tôi vừa mừng vừa lo. Tôi sợ mình chưa đủ khả năng đảm đương vai diễn lớn này, song đạo diễn Dương Khiết động viên rằng tôi có gương mặt rất phúc hậu và hiền từ, nhờ vậy mà tôi cảm thấy tự tin hơn”. Do thời gian quay bộ phim Tây Du Ký kéo dài quá lâu, trong khi Uông Việt lại muốn thử sức với những vai mới, nên anh đã xin “rút tên” khi phim vừa quay được vài tập.
Đường Tăng “nhiệm kỳ thứ hai” là Từ Thiếu Hoa. Anh gắn bó với đoàn làm phim được 2 năm 5 tháng thì cũng nói lời tạm biệt, để chuẩn bị thi Đại học. Từ Thiếu Hoa hài hước nói, trong thời gian đóng phim Tây Du Ký, nỗi khổ lớn nhất của anh là quá... khỏe, bởi so với các “đệ tử”, vai Đường Tăng khá an nhàn, không cần vận động nhiều, lại ăn được ngủ được nên Từ Thiếu Hoa tăng cân vùn vụt, kết quả là anh bị đạo diễn buộc phải giảm cân. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với Từ Thiếu Hoa là khi Uông Việt bàn giao vai Đường Tăng cho anh, Uông Việt đã “lo lót” mời anh dùng bữa cơm tốn hết 40 nhân dân tệ. Trì Trọng Thoại là diễn viên cuối cùng thể hiện vai Đường Tăng, từ đoạn thầy trò Đường Tăng đã thỉnh được chân kinh từ Tây Thiên trở về.

Lồng tiếng: Các nhân vật trong phim mỗi người đều có một giọng nói đặc trưng do diễn viên lồng tiếng hỗ trợ, như vai Đường Tăng là do diễn viên lồng tiếng Trương Vân Minh phụ trách, vai Tôn Ngộ Không được diễn viên của đoàn Kinh kịch An Huy lồng tiếng, còn giọng của lão Trư là tiếng nói của một diễn viên lão thành trong hãng phim điện ảnh Bát Nhất, chỉ duy nhất nhân vật Sa Tăng là do Diêm Hoài Lễ tự lồng tiếng.

Diễn viên đóng thế: Do nguồn kinh phí eo hẹp, cộng thêm ngành truyền hình Trung Quốc đầu thập niên 80 vẫn chưa phát triển, đạo diễn Dương Khiết không có chủ trương mời diễn viên đóng thế, nên trong 25 tập phim Tây Du Ký, tất cả các cảnh quay võ thuật đều do diễn viên tự đóng.

Chỉ đạo võ thuật: Phim Tây Du Ký có đến 3 nhà chỉ đạo võ thuật: Lâm Chí Khiêm (người đóng vai Nhị Lang Thần) – từng là huấn luyện viên võ thuật; Hạng Hán – huấn luyện viên võ thuật và Hạ Bách Hoa (người đóng vai Yêu đạo – câu chuyện “Trừ yêu Ô Kê quốc”).

Ngoại cảnh: Theo nhận xét của giới báo chí, phần ngoại cảnh tuyệt đẹp trong phim Tây Du Ký đã góp phần không nhỏ làm nên thành công cho bộ phim. Có thể nói, những chốn bồng lai tiên cảnh, non nước hữu tình đã che lắp đi phần kỹ xảo lạc hậu. Vậy ngoại cảnh trong phim đã được quay tại đâu?
Tập 1 – Bắc Đới Hà; tập 2 – Giới Đài tự – Bắc Kinh; tập 4,11 và 12 – Hồ Nam; tập 7 – Sơn Đông; tập 8 – Tam Hiệp; tập 9 – Tứ Xuyên; tập 10 – Trương Gia giới; tập 13 – Dương Châu; tập 17 – Thổ Lỗ Phồn Hỏa Diệm Sơn; tập 21 – Cửu Trại Câu; tập 23 – Quảng Châu; tập 24 – Thái Lan; tập 25 – Thái Lan và Hồ Nam.


Thời điểm phát sóng: Do thời gian làm phim kéo dài, nên Tây Du Ký đã được quay và phát sóng theo kiểu cuốn chiếu. Tháng 8.1982, bấm máy câu chuyện “Trừ yêu Ô Kê quốc”, lễ Quốc Khánh cùng năm CCTV phát sóng câu chuyện đó. Năm 1983, quay các tập “Họa từ Quan Âm viện”, “Ăn trộm quả nhân sâm”, “Tam đả Bạch Cốt tinh”. Ngày 3.2,1984, CCTV phát sóng 2 tập phim: “Thu phục Trư Bát Giới” và “Tam đả Bạch cốt tinh”. Tết Nguyên Đán năm 1986, CCTV chiếu 11 tập của bộ phim. Trong năm 1986, quay tiếp các tập: “Đoạt Bảo Liên Hoa động”, “Đại chiến Hồng Hài Nhi”, “Đấu phép hạ tam quái”, “Thỉnh kinh Nữ Nhi quốc”, “Tam điều Tì Bà phiến”, “Quét tháp biện kỳ oan”, “Đánh nhầm Tiểu Lôi Ââm”, “Tôn hầu xảo hành y”. Năm 1987: quay tiếp “Rơi nhầm động Bàn Tơ”, “Tứ thám Vô đáy động”, Truyền nghệ Ngọc Hoa Châu”, “Thiên Trúc thu Ngọc Thố”, “Ba thăng cực lạc thiên”. Ngày 1.2.1988, CCTV phát sóng trọn bộ phim Tây Du Ký gồm 25 tập.
(Trong hộp thư bạn đọc số 306, ĐMCT có ghi là thời gian quay phim kéo dài từ năm 1982 đến tháng 10.1986, nay xin đính chính lại với nội dung như trên mà chúng tôi đã thu nhập được từ monkeykingweb)

NGHI TRÂN

Nội dung chi tiết

Nhận xét