- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
(Dân trí) - Là chiếc đồng hồ cổ nhưng chạy chính xác đến từng giây, Big Ben vẫn ngân vang suốt 150 năm qua. Tiếng chuông đồng hồ từ thời Nữ hoàng Victoria đã mang âm thanh của nước Anh vào thế kỷ 21.
Tháp đồng hồ Big Ben.
Big Ben, tên đầy đủ là Tháp đồng hồ của cung điện Westminster, sẽ kỷ niệm sinh nhật tròn 150 tuổi vào ngày mai, 31/5. Chiếc đồng hồ khổng lồ 4 mặt bắt đầu chạy vào ngày 31/5/1859 và đổ chuông lần đầu tiên ngày 11/7 cùng năm đó.
Mặc dù được biết đến rộng rãi với cái tên Big Ben nhưng thực ra tên này chính là tên của quả chuông nặng 13 tấn được treo bên trong tháp. Tháp đồng hồ cao 96m nhìn xuống tòa nhà quốc hội dọc sông Thames đã trở thành một biểu tượng cho sự ổn định, bền bỉ và dân chủ tại Anh suốt 150 năm qua.
Khi mới hoàn thành, Big Ben đã gây ra nhiều tranh cãi. Ban đầu, các nghị sĩ phàn nàn âm thanh của tiếng chuông quá to, trong khi tờ Times of London chỉ trích rằng những sự cố xung quanh dự án chứng tỏ tháp đồng hồ là sự xỉ nhục đối với tất cả những ai có liên quan tới công trình này. Nhưng những ký ức buồn đã nhanh chóng mờ dần và tiếng chuông đồng hồ kể từ đó trở thành một phần không thể thiếu của thủ đô London.
Big Ben là một trong những công trình nổi tiếng nhất của nước Anh.
Những tiếng chuông của đồng hồ ngân vang mỗi giờ và rất hiếm khi Big Ben ngừng đổ chuông. Big Ben từng im lặng vài lần do tình cờ và thời tiết, cộng với 4 lần phải ngừng đổ chuông để bảo dưỡng vào các năm 1934, 1956 và 1990 và 2007.
Cho tới nay, việc vào bên trong tháp và ngắm quả chuông Big Ben là điều không dễ dàng. Các biện pháp an ninh chặt chẽ đồng nghĩa với việc rất ít người được phép vào bên trong. Và tháp cũng không có thang máy, vì vậy những ai vinh dự được vào thăm tòa tháp phải trèo bộ lên một cầu thang cao 334 bậc.
Catherine Moss, hướng dẫn viên của tháp đồng hồ, cho hay một năm làm hướng dẫn viên tương đương với 3 cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới Everest.
Vào dịp kỷ niệm sinh nhật 100 năm của Big Ben vào năm 1959, chủ tịch quốc hội Anh khi đó là William Morrison đã ví chiếc đồng hồ như một cơ quan lập pháp của nước Anh - “chào đời trong sự tranh cãi nhưng lại tồn tại bền bỉ và phục vụ chúng ta một cách đáng ngưỡng mộ”.
Chuông đồng hồ bắt đầu đổ vào ngày 11/7/1859.
Những dấu mốc quan trọng của Big Ben:
- 16/10/1834: Một vụ hỏa hoạn đã phá hủy cung điện Westminster, nơi đặt trụ sở quốc hội Anh. Bản thiết kế một tòa nhà mới với tòa tháp đồng hồ theo kiến trúc tân Gô-tích của Charles Berry đã được lựa chọn.
- 22/6/1846: Nhà thiên văn học hàng đầu của nước Anh đã đưa ra các điều kiện cho chiếc đồng hồ, trong đó có việc đồng hồ phải chạy chính xác đến từng giây - điều mà một số nhà sản xuất đồng hồ nói là không thể. Sau 8 năm tranh cãi, hệ thống đồng hồ cũng được hoàn thành.
- 6/8/1856: Quả chuông khổng lồ Big Ben được đúc ở miền bắc nước Anh và nó đã suýt bị đánh chìm trong một cơn bão giữa biển khi được chuyển bằng tàu tới London.
- 17/10/1857: Quả chuông đã bị rạn nứt trong lần thử nghiệm và người ta đã phải đập nó ra để đúc lại. Quả chuông mới được hoàn thành sau đó đúng 1 năm.
- 31/5/1859: Đồng hồ chính thức hoạt động. Big Ben bắt đầu rung chuông hơn một tháng sau đó nhưng lại bị rạn trong vòng vài tháng và bị ngừng đổ chuông cho tới năm 1862.
- 1916: Đồng hồ ngừng đổ chuông trong 2 năm vì Thế chiến 1.
- 17/2/1924: Đài BBC bắt đầu phát thường xuyên tiếng chuông của Big Ben.
- 1/9/1939: Đèn của tháp đồng hồ bị tắt do Thế chiến 2.
- 10/4/1941: Đức Quốc xã đánh bom tòa nhà quốc hội Anh, khiến tháp đồng hồ bị hư hại. Tuy nhiên, đồng hồ vẫn chạy tốt.
- 5/8/1976: Đồng hồ gặp trục trặc về kỹ thuật và được sửa chữa hoàn chỉnh trong vòng 1 năm.
Big Ben được công nhận là tháp đồng hồ đổ chuông lớn nhất thế giới.
Hệ thống máy móc của đồng hồ được chế tạo đã cách đây 150 năm nhưng vẫn chạy chính xác đến từng giây.
Việc xây dựng tuyến tàu điện ngầm Jubilee đã khiến tháp đồng hồ bị nghiêng 22cm.
Quả chuông đồng hồ nặng 13 tấn bắt đầu đổ vào ngày 11/7/1859.
4 mặt của đồng hồ được lau dọn 5 năm một lần.
Ninh Nhi
Tổng hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét