- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
5. Thiên Long Bát Bộ (1997)
Cho dù trong mấy năm gần đây, phần lớn các tác phẩm của Kim Dung đều được tái hiện lại một cách sáng tạo trên màn ảnh với dàn diễn viên chuyên nghiệp, kỹ xảo công phu, dàn dựng hoành tráng; nhưng ấn tượng của các bộ phim kiếm hiệp do TVB sản xuất trong thập kỷ 90 vẫn luôn sâu đậm trong tâm trí người xem. Bài viết này muốn dành vài dòng cho 1 bộ phim như thế:
Đã qua hơn 10 năm nhưng mỗi lần nghe lời giới thiệu độc đáo của dòng phim giai đoạn này lại không khỏi thấy xốn xang thích thú nhớ lại những ngày xưa: bài hát mở đầu phim
Xem phim này chắc ai cũng đồng ý là nhân vật Kiều Phong do Huỳnh Nhật Hoa thủ vai là một thành công lớn trong điện ảnh khi đó và kể cả sau này; nếu nói không ngoa thì chưa ai vượt qua được Huỳnh Nhật Hoa trong việc lột tả chân dung người anh hùng Khiết Đan. Vũ Đức Sao Biển trong cuốn “Kim Dung giữa đời tôi” đã dành những trang viết trang trọng nhất cho Kiều Phong:Tất cả tư duy của những nhân vật lớn trong tác phẩm Kim Dung đều tập trung vào 3 định đề: cuộc sống, tình yêu và cái chết. Kiều Phong là một nhân vật lớn như vậy.
Con người Kiều Phong quả gặp nhiều gian nan. Trước là nhận ra mình mang dòng máu Khiết Đan:
nhưng ông vẫn vượt qua được nỗi mặc cảm lớn đó, bởi đúng như nhà sư Trí Quan đã tặng ông 4 câu thơ thiền ý nghĩa:
- Nhạn Môn vách đá chênh vênh
Ngẩn ngơ ngơ ngẩn, một mình ngẩn ngơ.
Còn đâu hàng chữ năm xưa,
Biết đâu thân thế, biết đâu giống dòng.
Bi kịch lớn nhất với ông là lúc ngộ sát A Châu, tự tay mình kết thúc giấc mơ được “săn chồn đuổi thỏ, sống đời ung dung khoái hoạt” với người mình yêu. Để rồi khi kết thúc phim, đứng giữa một bên là trọng tội với Gia Luật Hồng Cơ, một bên là món nợ với mảnh đất đã nuôi ông trưởng thành 30 năm qua; Kiều Phong buộc phải chọn cái chết như một cách thể hiện khát vọng tự do của mình:
- Khiết Đan với Hán nhân
Bất luận giả hay chân
Ân oán cùng vinh nhục
Không hơn đám bụi trần
Đất trời bao la, thiên hạ rộng lớn vậy mà không có một chỗ cho ông dung thân. Nơi Kiều Phong bỏ mình cũng lại là Nhạn Môn Quan, nơi năm xưa thân phụ ông trúng phục kích của quần hùng Trung Nguyên mà hy sinh. Cái trùng hợp cố ý của Kim Dung càng làm câu chuyện éo le và khó quên hơn. Thiên Long Bát Bộ (1997) đã lột tả một cách chân thực và sống động nhất những khoảnh khắc này.
- Bẻ tên đặt một lời nguyền,
Tống Liêu thoát khỏi một trường can qua.
Nhân, tình, nghĩa vẹn cả ba,
Thân kia dẫu thác danh đà lưu phương
Không chỉ dừng ở đó, cửa ải Nhạn Môn còn chứng kiến những tình yêu làm cảm động lòng người của A Tử dành cho Kiều Phong và Du Thản Chi với A Tử; quả là nhất phiến si tâm không dễ gì có được, càng cảm tác hơn khúc ca Nấm mồ chim nhạn mà Lý Mạc Sầu từng ngâm:
- Tình là chi hỡi thế gian,
Câu thề sinh tử đa mang một đời.
Trời Nam đất Bắc đôi nơi,
Cánh chim rũ mỏi mấy hồi hàn ôn.
Vui ân ái, biệt ly buồn
Si tình nhi nữ khởi nguồn bi hoan.
Tiếng xưa xa khuất mây ngàn
Về đâu bóng lẻ Thiên San tuyết chiều …
Đao kiếm vô tình, người hữu tình; giang hồ tuy dậy sóng nhưng cũng luôn có những khoảng lặng; nét chấm phá tuy nhỏ đấy nhưng cực kỳ ấn tượng, góp phần đẩy truyện và phim kiếm hiệp Trung Hoa lên một bậc nghệ thuật. Bùi Giáng cũng đã phóng bút mà khen rằng:Riêng đối với bạn thi sĩ, đọc truyện võ hiệp giúp bạn làm thơ lai láng không ngừng. Điều đó không có gì lạ. Ban sơ của văn học, âm nhạc cùng phát khởi tại một cội nguồn. Uyên nguyên của tinh thần xuất phóng.Một điểm nữa về Thiên Long Bát Bộ (1997) là sự góp mặt của Lý Nhược Đồng (Carmen Lee) trong vai Vương Ngữ Yên. Tuy không thực sự ấn tượng như Long Cô Nương trong Thần Điêu Đại Hiệp (1995) nhưng cô vẫn dành được nhiều cảm tình của khán giả, quả xứng đáng là mỹ nhân số một của làng giải trí TVB thập kỷ 90. Sau này người ta so sánh các vai của Lý Nhược Đồng với Lưu Diệc Phi; người cho là hơn, kẻ cho là kém. Nhưng nói một cách công bằng, chính Lý Nhược Đồng mới là người mang đến cho người xem nhiều cảm xúc về phim võ hiệp cổ trang Trung Hoa.
Một bộ phim trung thực với nguyên tác, một khúc tráng ca đáng xem và đáng nhớ là những gì xin chốt lại về Thiên Long Bát Bộ (1997).
Nhận xét
Đăng nhận xét