Thơ và Nhạc Trung Hoa trong phim (Phần 5)

6. Hồng Lâu Mộng
Để giới thiệu về câu chuyện “Giấc mộng hồng lâu” (Dream of the Red Chamber), xin mượn lời bạt của Mai Quốc Liên viết cách đây 20 năm cho bộ truyện này:
Trong lịch sử văn học Trung Quốc, Hồng Lâu Mộng có một vị trí đặc biệt. Người Trung Hoa say mê đọc nó, bình luận về nó, sáng tác về nó đến nỗi nói:
“Khai đàm bất thuyết Hồng Lâu Mộng,
Độc tận thi thư diệc uổng nhiên!”

Mở miệng mà không nói Hồng Lâu Mộng thì đọc hết cả thi thư cũng vô ích!



Hồng Lâu Mộng là một bức tranh tả thực về 1 xã hội phong kiến Trung Quốc những năm suy tàn, giống như cây sầu đông ngoài tươi trong héo, vẻ ngoài tôn nghiêm nề nếp không che đậy được thực chất mọt ruỗng của giới thượng lưu khi đó. Cuộc sống Giả phủ xa hoa, độc ác, thủ đoạn, và cuối cùng đã tự viết hồi kết cho mình. Xuyên suốt toàn câu chuyện là mối tình dang dở của Giả Bảo NgọcLâm Đại Ngọc - đôi nam nữ luôn muốn vươn tới một cuộc sống tự do hơn, chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ truyền thống, chán ghét khoa cử công danh, và muốn phá bỏ những khuôn phép ràng buộc.

Tác giả chính của Hồng Lâu Mộng là Tào Tuyết Cần vốn sinh ra trong một gia đình đại quý tộc. Nhà ông chẳng những là hào môn vọng tộc hiển hách như thế, lại còn có truyền thống văn chương. Nhưng khi ông lớn lên thì cũng là lúc ánh hào quang năm xưa lùi xa dần, cha ông bị cách chức, gia sản bị tịch biên, nhà họ Tào suy sụp. Hồng Lâu Mộng có thể xem là những hồi ức của Tào Tuyết Cần về cuộc sống vàng son đã tan vỡ đó, là sự giải tỏa nỗi niềm “cô phẫn”, và để ký thác những suy tư về con người và thời đại một cách khách quan và hiện thực cao hơn. Tào Tuyết Cần đã viết 80 hồi đầu của Hồng Lâu Mộng, với gần 450 nhân vật, và người ta nói rằng: “Xem ra chữ toàn bằng huyết, Cay đắng mười năm khéo lạ lùng”. Hai mươi tám năm sau khi ông mất, Cao Ngạc viết tiếp 40 hồi, sau đó thì Hồng Lâu Mộng được in và lưu truyền khắp Trung Quốc.



Riêng về bộ phim “Hồng Lâu Mộng” đã từng được chiếu trên truyền hình Việt Nam nhiều năm về trước để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả: một Giả Bảo Ngọc ẻo lả thư sinh, một Lâm Đại Ngọc kiên nghị mà có tình, một Tiết Bảo Thoa xinh đẹp nết na, và đặc biệt là một Vương Hy Phượng - mợ Liễn sắc sảo tuyệt trí … Hồi đó xem phim còn ấn tượng mãi với khả năng hóa thân vào nhân vật mợ Liễn của diễn viên Đặng Tiệp, sau này lại có dịp thưởng thức tài nghệ của cô trong các phim “Khang Hy vi hành” hay “Tể tướng Lưu gù”. Vai Đại Ngọc do Trần Hiểu Húc đóng khi đó cũng được giới chuyên môn đánh giá rất cao, người ta thậm chí còn lo sau này nếu “Hồng Lâu Mộng” được dựng lại thì cũng khó kiếm được ai vào vai tốt như bà. Năm 2007 bà đã xuống tóc đi tu, pháp hiệu Diệu Chân rồi qua đời tại Thâm Quyến một thời gian sau.

Đây là bài hát mở đầu trong phim: Download Link

Lời bài hát:



Một người là tiên giáng trong vườn
Một người là ngọc đẹp không vết hoen
Nếu bảo chẳng có duyên lạ
Tại sao lại gặp nhau kiếp này
Nêu bảo là có duyên lạ
Tại sao tâm sự hóa thành không

Một người tự than thở than
Một người hoài niệm đến già
Hỏi làm sao giọt nước mắt này
Chảy từ đông thu hạ đến xuân”

Trong phim có 1 tích kinh điển là Đại Ngọc chôn hoa mà thương cho thân phận mình:


… Thân này muốn vẫy vùng đôi cánh,
Nơi chân trời liệng cảnh hoa chơi!
Nào đâu là chỗ chân trời,
Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa?Sẵn túi gấm đành ta nhặt lấy,
Chọn nơi cao che đậy hương tàn.
Thân kia trong sạch muôn vàn,
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.

Giờ hoa rụng có ta chôn cất,
Chôn thân ta chưa biết bao giờ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?

Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!


Giờ nhớ lại “Hồng Lâu Mộng” không thể hình dung ra trọn vẹn đoạn nào, chỉ nhớ được khúc cuối khi Giả phủ suy tàn, “Kim Lăng thập nhị kim thoa” (12 mỹ nhân thành Kim Lăng) năm xưa giờ tan tác muôn ngả, kẻ còn người mất; Đại Ngọc uất ức ốm mà qua đời, Bảo Ngọc trốn nhà đi tu để lại Bảo Thoa làm góa phụ trẻ. Cảnh cuối là lúc già Lưu bỏ xác mợ Liễn lên chiếc xe rồi kéo lê trên tuyết về quê, thấy cảm thương cho một danh gia vọng tộc khi thế cuộc đổi dời.



Cứ nhắc đến kết thúc của Hồng Lâu Mộng lại không khỏi bồi hồi nhớ đến câu chuyện “Giấc mộng hoàng lương” hay “Giấc Nam Kha”, tiện chép ra cho bạn đọc tham khảo

Đời nhà Đường có một nho sinh họ Lữ đi thi không đỗ. Trở về, dọc đường, vừa buồn lại vừa đói nên ghé vào một ngôi chùa con bên cạnh khu rừng, xin đỡ lòng. Chùa nghèo, nhà sư nấu kê thay gạo đãi khách.

Vì mệt mỏi nên họ Lữ nằm một lúc thì ngủ khò. Chàng thấy mình đã thi đỗ, được quan chức cao, nhà vua lại còn gả công chúa, phong cho chàng làm phò mã và cho đi trấn nhậm một nơi. Thật là vinh quang phú quý, không ai bằng. Nhưng khi đi đến nửa đường thì bỗng gặp quân giặc đỗ đến đánh. Lữ chống cự không lại. Lính hộ vệ bị giết. Xe kiệu bị đập phá tan tành. Chúng thộp cổ cả vợ chồng Lữ, đưa gươm kề họng… Lữ hoảng hốt, kêu lên một tiếng, giựt mình thức dậy mới biết là chiêm bao.

Mà giữa lúc ấy nồi kê cũng chưa chín.


Trong tác phẩm “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều có câu:

  • Giấc Nam Kha khéo bất bình,
    Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.
Trong bài “Lạc đường” của Tú Xương viết: Giấc mộng Nam Kha khéo chập chờn

Trong “Bích câu kỳ ngộ” cũng có câu: Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa an.

Còn cổ thi thì chép: Trăm năm một giấc kê vàng.

“Kê vàng” cũng gọi là gạo “hoàng lương”, một thứ ngũ cốc nhỏ như cát, màu vàng. Nhà nghèo bên Tàu ngày xưa dùng kê để ăn thay gạo. “Giấc Nam Kha” hay “Giấc mộng hoàng lương” đều do điển tích trên, có nghĩa chỉ sự phú quý vinh hoa chẳng khác nào một giấc mộng, càng đẹp càng ngắn ngủi

Cho dù là đại gia tộc cũng không tránh khỏi quy luật tất yếu ấy, tiệc vui ngàn ngày của Giả phủ cũng đến ngày kết thúc Đọc, xem, và luận bàn Hồng Lâu Mộng quả như được thưởng thức 1 cuốn bách khoa toàn thư phác thảo đầy đủ xã hội phong kiến Trung Quốc có thịnh có suy với muôn vàn nhân vật; chẳng trách mà “Hồng học” vẫn làm mê đắm bao thế hệ người đọc.
[right][size=1][url=http://congdongso.com/threads/5012-Tho-va-Nhac-Trung-Hoa-trong-phim.html?p=12486&viewfull=1#post12486]Copyright © Cộng Đồng Số[/url][/size][/right]
 

Nhận xét