Tịch Dương Chi Ca - Thiên thiên khuyết ca

Bài hát

Tịch Dương chi ca:

Thiên Thiên khuyết ca:

Lịch sử 

Khi Mai Diễm Phương đang quay { Anh hùng bản sắc 3 } , Cận Đằng Chân Ngạn từ Nhật gửi qua cho cô một bản nhạc có tựa là { Tịch dương chi ca } , lời nhạc kể về một chuyện tình không hồi kết của một cặp nam nữ . Cô gái trong bài ca vì yêu mà lặn lội đến đất khách quê người , cũng tại đây cô ráng tìm cho mình một chốn nhỏ dung thân , hay nói đúng hơn là tìm nơi có thể dung nạp được bản thân mình trong cái thế giới của người đàn ông cô yêu . Nhưng dù hy sinh tất cả , tiền tài và danh vọng , tòa thành thị nhỏ bé đó vẫn ngoan cố không chịu chứa chấp cô . Trên đường lá rụng như thúc người về , gió thổi như muốn đuổi người đi , vạn vật hùa nhau quét cô ra khỏi cái thế giới nho nhỏ đó . Thế giới của anh không chịu dung nạp cô , cả bản thân anh cũng không thể giữ cô lại . Vật không thương tiếc , người không níu giữ . Thôi thì về nhà vậy ! Hoàng hôn là cảnh lúc hai người giã biệt . Dõi mắt nhìn cô đi , lòng anh đau như cắt , muốn níu nhưng vô phương , đành phải để người về !
Nhiều năm về sau anh nhờ người viết nhạc soạn lời , chủ yếu không hẳn chỉ là khơi lại chuyện xưa cũ mà còn muốn thổ lộ nỗi nuối tiếc ngày xưa anh đã không có dũng khí giữ cô lại , hối tiếc ngày xưa đã để cô đi . Nếu được quay đầu lại , có lẽ anh đã lựa chọn khác . Nhưng việc đời mấy khi thuận ý người . Mất rồi thì ngồi tiếc , qua rồi mới biết thương , hận hai chữ ‘ ước gì ‘ !
Bản nhạc này anh gửi cho cô cũng coi như là dấu chấm than cho cuộc tình không hồi kết giữa hai người họ , ngọt đắng đầy tiếc nuối .
Sau đó , cô hát bản này cho Từ Khắc nghe . Họ Từ cảm thấy âm luật bản này phù hợp phim nên chọn nó làm bản nhạc chủ đề cho bộ { Anh hùng bản sắc 3 } . Nhờ Trần Thiếu Kỳ viết lời , họ Trần lấy cuộc đời của Châu Anh Kiệt làm nền tảng viết nội dung lời bài hát . Mai Diễm Phương xin bản quyền nhạc trực tiếp từ phía Cận Đằng Chân Ngạn . Thu âm và đưa vào đĩa hát { In Brasil } phát hành năm 1989 .
Sau khi bản { Tịch dương chi ca } của Cận Đằng Chân Ngạn được tung ra ở Nhật . Công ty âm nhạc Bảo Lệ Kim ở Hong Kong liền mua bản quyền bản này cho Trần Tuệ Nhàn hát lại . Công ty âm nhạc bên Nhật bán bản quyền bản này cho Bảo Lệ Kim mà không hề biết rằng trước đó Cận Đặng Chân Ngạn đã hứa trao bản quyền hát lại bản này cho Mai Diễm Phương . Nhằm để được lưỡng toàn kỳ mỹ , công ty bên Nhật bán bản quyền cover lại cho cả hai công ty Bảo Lệ Kim và Tinh Hoa , nhưng do Cận Đặng Chân Ngạn đã hứa trước với Mai Diễm Phương nên bản cover lại của cô được ra mắt trước , trong khi bản cover của Trần Tuệ Nhàn phải đợi đến tháng 06 mới được phép tung ra . Do hai bản cover cùng tung ra trong năm 1989 nên trong cuộc đua kình ca kim khúc năm đó thành ra cục diện đụng độ giữa hai bản { Tịch dương chi ca } của Mai Diễm Phương và { Thiên thiên khuyết ca } của Trần Tuệ Nhàn .
Cả hai bản cover đều lọt vào Top 10 kình ca kim khúc năm đó , riêng bản cover của Mai Diễm Phương đoạt được giải “ Ca khúc vàng của năm “ ( Song of the year ) . Việc bản { Tịch dương chi ca } đoạt được giải ca khúc của năm gây ra không ít tranh cãi . Chủ yếu bảo TVB thiên vị ‘ gà nhà ‘ Mai Diễm Phương trong khi mà bản { Thiên thiên khuyết ca } mới xứng đáng đoạt giải ca khúc vàng của năm , do nó vốn được nhiều người yêu thích hơn bản cover của Mai Diễm Phương .
Quả thật , bản { Tịch dương chi ca } vốn không được nhiều người biết đến cũng không được yêu thích rộng rãi và phổ biến bằng bản { Thiên thiên khuyết ca } . Cho nên nếu xét mức độ “ nổi “ ( hot ) thì bản cover của Mai Diễm Phương không xứng đáng đoạt giải ca khúc vàng của năm . Nghe nói Bảo Lệ Kim vì việc này mà lấy làm rất tức tối . Họ hoàn toàn có lý khi cảm thấy bất bình thay cho ca sĩ của họ nói riêng và cho công ty họ nói chung .
Nếu như năm 1989 bản { Tịch dương chi ca } của Mai Diễm Phương có đủ sức “ nóng “ để qua mặt bản { Thiên thiên khuyết ca } mà đoạt giải ca khúc của năm thì không có gì để nói . Nhưng chính vì vào năm 89 dù nó vốn không đủ độ “ hot “ mà vẫn ẵm được giải lớn và cộng thêm địa vị “ kinh điển “ không thể tranh cãi của nó ngày hôm nay đã biến bản { Tịch dương chi ca } trở thành một trường hợp thú vị nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Mai Diễm Phương .
Nếu như vào năm 1989 , việc bản { Tịch dương chi ca } là ca khúc vàng của năm là điều không thể tưởng tượng nổi thì ngày hôm nay nếu bảo bản { Tịch dương chi ca } không xứng đáng đoạt giải ca khúc vàng của năm cũng lại là việc không thể tưởng tượng nổi . Thực ra cả hai lẽ đều có lý . Nhưng nếu cả hai lẽ trên đều có lý thì thật là nghịch lý quá ! Kỳ thực đó chính là điểm thú vị và oái ăm của ca khúc này .
Địa vị của bản { Tịch dương chi ca } ngày hôm nay đã thuộc vào hàng một trong những ca khúc kinh điển nhất trong sự nghiệp âm nhạc của Mai Diễm Phương nói riêng và âm nhạc Hong Kong nói chung . Sức sống của nó đã vượt qua bản { Thiên thiên khuyết ca } . Mỗi khi giai điệu của bản nhạc vang lên , người nghe phần đông đều nghĩ đến Mai Diễm Phương , nghĩ đến cuộc đời cầm ca của cô . Nó như một dấu chấm than cho cuộc đời của đại ca nữ . Đôi khi , nó như một khúc nhạc tiêu biểu kết lại trọn cuộc đời ca xướng của một bà hoàng sân khấu . Nên mỗi khi mở tiệc kỷ niệm Mai Diễm Phương , { Tịch dương chi ca } luôn là bản vang lên sau cùng , kết lại những trang sử hào hùng đời cô .
Cho nên , giá trị của bản { Tịch dương chi ca } đã vượt qua giá trị của bản { Thiên thiên khuyết ca } trong lịch sử âm nhạc Hong Kong . Được vậy , không phải bởi vì năm 89 nó là ca khúc vàng của năm , không phải bởi vì Mai Diễm Phương hát bản này hay hơn Trần Tuệ Nhàn , cũng không phải bởi vì nội dung sâu sắc hơn , mà bởi vì Mai Diễm Phương đã dùng bản { Tịch dương chi ca } làm ca khúc khép lại cuộc đời cầm ca hát xướng của mình trong hoàn cảnh bi tráng diễm lệ nhất . Nó như một cái kết mà mỗi khi âm điệu vang lên không ai có thể thể quên được , bao ký ức ùa về , thương nhớ , tiếc nuối ... cho cuộc đời một ca nữ .
Chính vì Mai Diễm Phương chọn bản này làm bản nhạc cuối cùng biểu diễn cho cuộc đời cầm ca của mình đã vô tình “ biến “ { Tịch dương chi ca } từ chỗ không xứng đáng là ca khúc vàng thành ra xứng đáng . Nó không những là ca khúc vàng của năm 1989 mà còn là ca khúc vàng của cuộc đời cô .
Thuận theo thời gian luân chuyển , bản này lại vô tình lội ngược dòng . Mai Diễm Phương tung ra bản { Tịch dương chi ca } khi sự nghiệp của cô đã đến mức bảo hòa , bản thân nó cũng không hẳn là ca khúc chủ lực trong album { In Brasil } , hình tượng chủ yếu chủ đả của album này là carnival in Brasil với ca khúc { Người yêu mùa hè } . { Tịch dương } chẳng qua chỉ là một side-track không có hình tượng thời trang gì đặc biệt phối hợp kèm theo . Đó là nguyên nhân thứ nhất , nguyên nhân thứ hai nữa đó là năm 89 là năm trào lưu hát karaoke lên ngôi , nhà nhà hát karaoke , người người hát karaoke , ai cũng hát karaoke , nên nhạc tung ra thị trường chủ yếu nghe sao dễ lọt lỗ tai và đồng thời dễ hát . Cả hai bản { Tịch dương } và { Thiên Thiên } đều có cùng âm điệu thuận tai người nghe nhưng xét về key/note , bản { Thiên thiên } của Trần Tuệ Nhàn cao hơn so với bản của Mai Diễm Phương , do đó dễ hát hơn , mà đã dễ hát thì sẽ có nhiều người chọn hát karaoke .
Nhưng cả hai nguyên nhân trên không hẳn là nguyên nhân chính tại sao bản { Thiên thiên } là bản được yêu thích nhất năm 89 mặc dù phát hành sau . Thực ra , nhân tố quan trọng nhất quyết định một ca khúc có “ hot “ hay không không phải là hạng trung niên mà là lớp trẻ , đặc biệt là bọn chưa thành niên . Điều này trước đây đã vậy thì bây giờ cũng như vậy . Mỹ , Hong Kong hay thậm chí Việt Nam trước sau đều vậy cả . Còn nhớ năm 85 , Mai Diễm Phương được tôn vinh là thần tượng của tầng lớp thanh thiếu niên nổi loạn không ! Chính lớp trẻ Hong Kong năm xưa đã đưa cô lên đến đỉnh vinh quang . Thì giờ đây cũng chính lớp trẻ thiếu niên của Hong Kong đã đưa bản { Thiên thiên } lên hàng “ hot “ . Với nội dung mơ hồ gián tiếp đề cập đến yêu , bằng những lời đưa đẩy nói về
hôm nay người tiễn biệt trong lòng vạn lời nói đau đớn biết tỏ sao ngày sau mong gặp lại mỗi người chia mỗi ngả xa xa trông ngóng nhau tặng nhau ngàn bài ca ...
Bằng những lời lẽ như vậy , bọn học sinh Hong Kong dùng nó làm bản nhạc chủ đề cho các buổi chia tay ngày cuối cấp , bọn chúng truyền tai nhau , hát tặng nhau ... Thực ra , lời bài hát không hẳn đề cập đến tâm tình tuổi học trò trước cảnh chia tay ngày cuối cấp , rồi mỗi người về mỗi nẻo đường đời , nhưng đủ mơ hồ để đẩy đưa diễn dịch sao cho hợp ý tình người nghe . Nhờ thiên thời , địa lợi , nhân hòa đã biến bản { Thiên thiên khuyết ca } thành ca khúc “ hot “ nhất năm 1989 !
Nhưng đến ngày hôm nay , thiết nghĩ bản { Thiên thiên } chẳng qua cũng chỉ là một trong những bản kinh điển trong cuộc đời cầm ca của Trần Tuệ Nhàn . Mà xét cho cùng địa vị của nó trong sự nghiệp âm nhạc của họ Trần có lẽ cao hơn địa vị bản { Tịch dương } trong cuộc đời âm nhạc của Mai Diễm Phương . Nếu liệt kê Top 10 ca khúc kinh điển của Mai Diễm Phương , { Tịch dương } chưa chắc nằm trong top 10 , miễn cưỡng ép vào thì chắc nằm ở thứ 10 . Top 10 đã là miễn cưỡng , huống hồ là ca khúc của năm .
Nhưng khi Mai Diễm Phương quyết định hát bản này trong đại nhạc hội cô biết rõ có thể là đại nhạc hội cuối cùng trong cuộc đời mình và có thể là ca khúc cuối cùng cô hát trên sân khấu thì giá trị và địa vị của nó trong sự nghiệp âm nhạc và cuộc đời của Mai Diễm Phương hoàn toàn thay đổi . Nó chính là ca khúc vang lên sau cùng trong đại đa số các chương trình kỷ niệm về cô , nó luôn vang lên trên nền tà áo cưới trắng phủ dài trên những bậc thang đỏ thẫm , nó là bản nhạc nền khi cô gả mình cho sân khấu , nó là bản nhạc chủ đề cuối khép lại toàn chương cuộc đời dưới ánh đèn sân khấu của Mai Diễm Phương . Chính trong khoảng khắc đó , { Tịch dương chi ca } không những đã trở thành ca khúc tiêu biểu sâu sắc cho cuộc đời cầm ca của cô mà quan trọng hơn nó đã trở thành ca khúc nền cho cuộc đời thăng trầm của chính bản thân cô .
Một quyết định vô tình thay đổi vận mệnh của một bài ca !
{ Tịch dương chi ca } là bản nhạc của mình mà Mai Diễm Phương yêu thích nhất . Giai điệu tiết tấu là tâm ý của người đàn ông cô yêu nhất vì cô hay vì hai người họ mà nhờ người soạn . Mỗi nốt nhạc trong bài hát như những cung bậc xúc cảm của người kia dành cho người này . Nhạc vì tình yêu dang dở không hồi kết giữa họ mà soạn nên , cũng coi như là một dấu chấm hết mà đồng thời cũng như dấu chấm than cho một cuộc tình dĩ vãng , không những với người đàn ông cô yêu nhất mà nó cũng là mối tình cô trân trọng nhất .
Âm điệu hàm chứa những tâm tình ẩn giấu mà không phải người trong cuộc thì khó mà hiểu được . Nhưng lời ca thì rành rành mạch mạch ngay trước mắt khiến người nghe cảm được tận đáy lòng . Thực ra lời nhạc nói về cuộc đời của nhân vật nữ chính trong phim , tức Châu Anh Kiệt nhưng oái ăm ở chỗ từng câu từng chữ cho đến ngày hôm nay lại như đang nói về chính cuộc đời của Mai Diễm Phương . Có lẽ Trần Thiếu Kỳ trước khi soạn lời cho bản nhạc từng trò chuyện qua với cô chăng ? Có khả năng đó vì thông thường trước khi các tay bút viết lời nhạc cho cô , cô luôn nói chuyện với họ , thổ lộ tâm tình của mình , cho họ biết cô muốn họ viết cái gì . Nên về bản { Tịch dương } chắc cũng không ngoại lệ . Huống hồ bản này có ý nghĩa cá nhân rất quan trọng đối với Mai Diễm Phương .
Trời chiều đổ máu cảnh thật lộng lẫy nhưng dù đẹp mấy thì cũng chỉ chốc lát mà thôi . Cũng như áng mây ngũ sắc kia biết bao rung động lòng người nhưng đêm về thì mây tan , hào quang tắt ngấm nhường chỗ cho đêm đen , sắc màu đã dần nhạt nhòa thì dù muốn níu cũng là vô vọng
cảnh vật vô tình nhưng người hữu ý thử hỏi đời người xán lạn được mấy chốc huy hoàng được mấy hồi vật đổi lại sao dời tình người bao biến thiên việc qua coi như hết để lại vị dư âm
Năm tháng lừ đừ trôi . Ngó trời chiều mãi chết . Chỉ tội kiếp người thăng trầm biến ảo cho ta gồng lưng gánh chịu . Như cảnh mây tan mây tụ , người đến người đi , phong sương hằn lên nét mặt , cho người già nua héo úa , thân lấm bụi phong trần , mặt khắc trổ tang thương , như bao khách đường đời . Mõ gõ canh giờ giục già tới, khắc đỗ từng giờ hối người đi , chỉ tiếc tiệc vui chóng tàn , niềm vui chóng tan , nhân sinh vô thường , hạnh phúc chóng vánh , dám hỏi có ai biết ta chỉ muốn sống một đời bình đạm !
trải qua bao thăng trầm khó nhọc cảnh mưa rơi gió thổi mịt mùng mộng đã đời hóa ra lầm lẫn được gặp người si tình tri kỷ dìu nhau qua sóng gió cuộc đời nhưng giờ đây mỗi người đôi ngả còn mình ta sải bước lên đường
thêm cảnh sương rơi cho người mệt mỏi chán nản đến cùng cực nhưng phận định số cô liêu thì đành phải cam chịu một mình hứng phong sương muốn quay đầu trở lại làm lại từ đầu mơ lại giấc mới đi lại đường mới chỉ tiếc đã muộn rồi !
Rốt cuộc Mai Diễm Phương muốn cái gì ? Một cuộc đời bình đạm dung dị hay một thế giới xán lạn huy hoàng ? Đến ngày hôm nay chỉ có thể bảo cái cô có không phải cái cô thực sự muốn , nhưng để có được cái mình muốn thì lại không nỡ buông cái mình đang có . Nghe có vẻ tham lam ! Hay nói đúng hơn là không dám buông . Bởi vì cái cô đang có là vật đem lại cảm giác thực nhất mà cô đang sở hữu . Cô không dám vì bất cứ ai mà buông nó , vì không người đàn ông nào đủ can đảm để đảm bảo với cô rằng chỉ cần cô buông cái mình đang có nhưng không thực sự muốn thì họ sẽ cho cô cái mà cô muốn nhưng mãi vẫn không có .
“ Em có thể cho ba chữ { Mai Diễm Phương } từ nay biến mất trên cõi thị phi nhưng liệu anh có thể hứa cho em bốn chữ { trọn đời trọn kiếp } ? “
Một lời thấu tâm can Đổi lại bầu im lặng Không một ai dám hứa
Không phải không nỡ bỏ Chỉ là chẳng dám buông Bách biến Mai Diễm Phương Cô chỉ còn có nó
Đi hết nửa đời người phong ba mới biết mộng đây là lầm lẫn . Ánh hào quang trên sân khấu , tiếng tung hô của vạn người , nhưng cô chỉ muốn sống đời dung dị , muốn làm lại từ đầu nhưng đã muộn lắm rồi ! Chẳng những phụ mình mà còn phụ người , từng biết kẻ si tình tri kỷ , cùng trải qua bao hoạn nạn cam go nhưng giờ đây tri kỷ đâu rồi mà chỉ còn một mình cô đơn lẻ bóng chịu cảnh sương rơi kẻ bạc đầu !
Bài ca như tiếng thở dài cam chịu đầy tiếc nuối , chỉ buồn mà không bi , miên mang không dồn dập , không thê lương nhưng đầy bất lực , không mấy cam tâm nhưng cũng biết chấp nhận sự thật . Thở dài hối tiếc việc xưa , hối tiếc phụ người cũ , hối tiếc chọn lầm đường . Chỉ là việc đã lỡ , thôi thì cũng đành vậy !
Writer: Mai Tấn Hiển

Nhận xét

Đăng nhận xét