- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Dương Trừng Phủ truyền khẩu giảng, Trần Vi Minh chép lại
(1) Hư linh đỉnh kình: Đỉnh kình, có nghĩa là đầu để cho ngay thẳng, thần dẫn lên trên đầu, không được dùng sức, dùng sức cổ sẽ bị cứng, khí huyết sẽ không được lưu thông, phải có ý hờ và linh động. Không có hư linh đỉnh kình, thì tinh thần không thể sôi động lên.
(2) Hàm hung bạt bối: Hàm hung, có nghĩa là ngực hơi thóp vào trong, để cho khí đi xuống đan điền. Ngực kỵ ưỡn ra, ưỡn ra thì khí sẽ chạy lên ngực, trên nặng dưới nhẹ, bàn chân sẽ dễ bị loạng choạng. Còn bạt bối, có nghĩa là khí dính vào sau lưng, biết hàm hung tức là biết bạt bội, biết bạt bột thì sẽ biết lực là do ở xương sống phát ra, vô địch là ở chỗ đó
(3) Tung yêu: Eo lưng là chủ tể của một thân, thả lỏng eo lưng được thì sau đó hai chân mới có đủ sức, hạ bàn ổn cố. Biến hóa hư thực đều do ở eo lưng chuyển động, do đó mà nói: "Mệnh ý nguyên đầu tại yêu khích" (Cái ý chí mệnh lệnh là ở chỗ cái eo lưng), nếu mà không đủ sức là tìm ở eo lưng và chân
(4) Phân hư thực: Thái cực quyền lấy hư thực làm ý nghĩa số một, nếu toàn thân nằm ở bên chân phải, thì chân phải là thực, chân trái là hư; toàn thân mà nằm ở chân trái, thì chân trái là thực, chân phải là hư. Hư thực mà phân ra được, thì sau đó mới chuyển động linh hoạt, mà không tốn tý sức lực. Nếu không phân ra được, thì đi đứng nặng nề, thân đứng không vững, mà dễ bị người lay động
(5) Trầm kiên trụy trửu: Trầm kiên, có nghĩa là vai tung lỏng và hạ xuống, nếu không làm được, hai vai nhô lên, tất nhiên khí sẽ tùy theo đó mà đi lên, toàn thân sẽ không lấy được sức nhĩ. Trụy trửu, có nghĩa là cùi chỏ hạ chìm xuống, cùi chỏ mà đưa lên, thì vai sẽ không hạ xuống được, quăng người ra không xa, sẽ đi gần với ngoại gia dùng cương kình.
(6) Dụng ý bất dụng lực: Thái cực quyền luận có nói: "thử toàn thị dụng ý bất dụng lực" (cái này là chỉ dùng ý không dùng sức). Luyện Thái cực quyền, toàn thân tung khai, không để có một tý nào sức , sợ bị đình trệ cân cốt huyết mạch, mà bó thúc thân thể; sau đó rồi biến hóa mới linh hoạt, tròn và lưu chuyển như ý. Nếu mà nghi ngờ là nếu không dùng sức thì làm sao mà có sức mạnh ? Bởi rằng thân thể người ta có kinh lộ, như là đất có mạch nước, mạch mà không tắc thì nước chảy, kinh lộ mà không bị bế tắc thì khí sẽ thông. Nếu như cả thân thể đầy sức làm tắc kinh lộ, khí huyết sẽ bị đình trệ, chuyển động không linh hoạt, kéo một cái là cả người bị lay chuyển. Còn nếu không dùng sức mà dùng ý, chỗ nào ý tới thì khí sẽ lập tức tới, như vậy, khí huyết lưu hành, ngày ngày lưu chuyển, chu lưu toàn thân, không lúc nào đình trệ; Luyện như vậy lâu ngày, sẽ được nội kình chân chính, tức là như trong Thái cực quyền luận nói: "Cực chí nhu, nhiên hậu cực chí cương".Người tập luyện công phu Thái cực quyền, cánh tay như bông gòn bọc thiết, phân lượng rất trầm; người luyện quyền ngoại gia, dùng sức là thấy có sức, không dùng sức thì thấy nhẹ hời, có thể thấy rằng sức là kình lực phía ngoài, không dùng ý mà dùng sức, rất dễ bị lay động, không đủ hay.
(7) Thượng hạ tương tùy: Thượng hạ tương tùy, tức là như Thái cực quyền luận nói là: "Kỳ căn tại cước, phát vu thoái, chủ tể vu yêu, hình vu thủ chỉ, do cước nhi thoái nhi yêu, tổng tu hoàn chỉnh nhất khí" (Căn là ở chân, phát ra bắp chân, chủ tể là eo lưng, hình tượng ở bàn tay ngón tay, từ chân mà tới bắp chân, rồi eo lưng, phải chung là thành một hơi). Bàn tay động, eo lưng động, chân động, nhãn thần tùy theo đó mà động, như vậy thì mới gọi là thượng hạ tương tùy, có một cái nào không động tức là tán loạn rồi
(8) Nội ngoại tương hợp: Thái cực quyền luyện ở chỗ "thần", cho nên nói rằng: "thần vi chủ soái, thân vi khu sử" (thần là chủ soái, thân là kẻ bị sai sử). Tinh thần mà đề lên được, tự nhiên cử động sẽ nhẹ nhàng linh hoạt. Tư thế không đi ra ngoài hư thực, khai hợp. Khai, có nghĩa là chân tay khai, tâm ý cũng theo đó mà khai theo. Hợp có nghĩa là không những chân tay hợp mà tâm ý cũng theo đó mà hợp, được trong ngoài mà thành một khí, thì hồn nhiên không bị ngăn trở.
(9) Tương liên bất đoạn: Quyền thuật ngoại gia, kình là từ ở sức có sau này, do đó mà có sinh có dứt, có tục có đoạn, sức cũ mà hết, sức mới chưa sinh, lúc ấy rất dễ bị người thừa cơ. Thái cực quyền dùng ý không dùng lực, từ đầu tới cuối, miên miên không ngừng, hết một vòng lại trở về đầu, tuần hoàn vô cùng, quyền luận nói là: "như trường giang đại hải, thao thao bất tuyệt", lại nói: "vận kình như trừu ty", đều nói đến một hơi liên quán.
(10) Động trung cầu tĩnh: Quyền thuật ngoại gia, lấy nhảy nhót làm hay, dùng hết khí lực, do đó mà luyện quyền xong, không ai là không thở gấp. Thái cực quyền lấy tĩnh chế ngự động, tuy động mà cũng như tĩnh, do đó đi quyền càng chậm càng tốt. Chậm thì hô hấp sâu và dài, khí trầm đan điền, không bị khổ vì huyết mạch khẩn trương. Kẻ học phải để ý tìm tòi, như vậy thì mới hiểu được.
Nhận xét
Đăng nhận xét